Còn phụ nữ, còn trang sức Thứ sáu, 06/07/2012, 15:28 GMT+7 Từ 82.000 năm trước, nhu cầu làm đẹp đã hiện diện trong đời sống của con người. Những món trang sức cũng xuất hiện để phục vụ cho nhu cầu đó với muôn ngàn vẻ đẹp sáng tạo. “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết cách làm đẹp”. Chắc chắn người xưa cũng có cùng suy nghĩ như chúng ta ngày nay. Chẳng thế mà Cleopatra, nữ hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập, thường xuất hiện với một chiếc mạng kết bằng những chuỗi hạt dài bằng vàng. Nó làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí của bà.
Phụ nữ đã nghĩ đến việc dùng trang sức làm đẹp từ bao giờ? Càng ngày, người ta càng khai quật được những bằng chứng cho thấy tổ tiên của chúng ta đã biết quan tâm đến việc tô điểm, làm đẹp cho mình. Các nhà khảo cổ của trường Đại học Oxford đã tìm được những cổ vật, trong đó có món mà họ tin là trang sức lâu đời nhất trên thế giới hiện nay. Đó là chuỗi hạt bằng vỏ sò được dự đoán có tuổi đời lên đến 82.000 năm.
Chuyện làm đẹp từ nghìn xưa cho đến nghìn sau Các chất liệu cũng rất đa dạng. Đó có thể là da động vật hoặc thanh sáo xỏ chung với những viên sỏi, trái cây, lông vũ, vỏ sò... tiếp đến, ngà voi, gỗvà kim loại cũng được trưng dụng. Trong suốt thời kỳ cổ đại, trang sức đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thể hiện địa vị của người đeo nó. Ai cập Khoảng 3.500 năm trước Công nguyên, khi vàng có thể được nung nóng chảy để dát mỏng và tạo hình, trang sức bằng vàng cũng ra đời. Từ đó, vàng luôn là kim loại được yêu thích nhất trong nghệ thuật tạo tác nữ trang tại Ai Cập vì màu sắc ấm áp, vẻ sáng bóng của nó.
Vào khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập dùng đá quý để làm vòng đeo cổ, trâm cài áo, ghim hoa cài cổ áo, khăn trùm đầu, mặt dây chuyền, nhẫn. Họ tin rằng trang sức chứa trong đó một sức mạnh thần bí, đem lại sự may mắn cho người đeo. Hy Lạp – La Mã Kể từ sau sự sụp đổ của thành Troy, nữ trang Hy Lạp rất phong phú và đa dạng, phản ánh sự phồn thịnh của xã hội lúc bấy giờ. Nhiều món trang sức được làm từ vật trang trí tinh tế, mảnh nhẹ bằng vàng với thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa lá, động vật. Các loại trang sức ở giai đoạn này gồm có vương miện, hoa tai, vòng tay, nhẫn, kẹp tóc, vòng cổ và trâm cài áo. Mặt dây chuyền đặc biệt được yêu thích. Đôi khi, phụ nữ Hy Lạp đeo vòng cổ với nhiều mặt dây có từ 75 bình hoa bé xíu trở lên. Trên mỗi chiếc lại được trang trí bằng vàng, bạc chạm lồng hoặc những tượng hoa, thú bằng vàng 14K. Thời kỳ đầu của Hy Lạp kinh điển, nhẫn đặc biệt được thông dụng. Vào thời hoàng kim của đế chế La Mã, người ta đeo nhẫn trên cả mười ngón tay. Giới quý tộc ở Đông La Mã thời Byzatium khoác lên mình trang phục rất cầu kỳ, gắn thêm các loại đá quý như hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc trai và vàng. Trung cổ – Phục hưng Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV, trừ tầng lớp quý tộc, rất ít người đeo trang sức. Trong suốt thời Trung cổ, việc dùng trang sức không được xã hội hoan nghênh. Duy chỉ có mặt dây chuyền hình thánh giá là phổ biến. Trang phục của thời kỳ này cũng khá đơn giản, được làm bằng chất liệu len dày, màu tối, thường ghim thêm brooch và trang trí thắt lưng. Vòng cổ và hoa tai không thông dụng nhưng nhẫn có phù điêu biểu hiện tôn giáo và chữ khắc rất được ưa chuộng. Thời kỳ này, mọi tầng lớp trong xã hội đều đeo nhẫn. Thông thường, chúng được làm bằng chất liệu sắt, đồng đỏ, bạc thật hoặc vàng. Chất liệu của nhẫn cũng phản ánh địa vị của người đeo. Sau thế kỷ XIV, mặt đá trên nhẫn bắt đầu xuất hiện. Cuối thời Trung cổ, thêm một số trang sức mới xuất hiện. Vòng cổ ra đời nhưng chủ yếu là vòng xoắn và chuỗi hạt. Nhẫn vẫn là món trang sức được ưa chuộng hơn cả.
Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII (thời kỳ Phục hưng), trên trang phục của đàn ông và phụ nữ đều có đính ngọc trai và đá quý. Trang sức được phân biệt theo màu sắc và kiểu dáng. Ghim hoa cài cổ áo và mặt dây chuyền có ảnh chân dung đặc biệt phổ biến vào thời kỳ này. Vào thời Phục hưng, nhẫn bắt đầu có nhiều hình dáng đa dạng. Chúng chia thành bốn loại với những mục đích sử dụng riêng biệt. - Dành cho giáo sĩ: Đây là biểu tượng thiêng liêng cho nhà thờ. - Để chữa các bệnh về cơ thể, tinh thần và thể hiện đẳng cấp. - Dùng cho các dịp lãng mạn như hứa hôn, đám cưới hay để thể hiện tình yêu, tình bạn, lòng trung thành... - Nhẫn cho các trường hợp khác. Thế kỷ XVII Đây là thời kỳ đánh dấu sự hồi phục của chủ nghĩa kinh điển. Các món trang sức đá quý nhiều màu sắc rất được ưa chuộng và kim cương là loại đá quý được yêu thích nhất. Những mẫu thiết kế trang sức sử dụng hoạ tiết hoa lá một cách phổ biến, xen lẫn các hoạ tiết ngôi sao, nơ với đường nét nhẹ nhàng, phóng khoáng. Thế kỷ XVIII – XIX Các kiểu trang sức màu mè, loèl oẹt dần biến mất. Khuynh hướng nữ trang theo bộ lên ngôi. Chúng thường bao gồm ghim hoa cài cổ áo, hoa tai mặt chùm (một hạt đá lớn ở giữa và nhiều hạt nhỏ chung quanh), trâm dát đá quý, vòng đeo cổ, vòng đeo tay hoặc vòng cổ theo dạng yếm. Thời kỳ này, kim cương và các loại đá quý cắt góc, mài giũa được ưa chuộng. Hầu hết các mẫu nữ trang được thiết kế theo dạng cuộn, vòng xoắn, không đối xứng, chi tiết trang trí nhã nhặn, sang trọng. Phụ nữ là người đeo kim cương nhiều nhất. Thế nhưng, cũng có những quý ông thuộc giai cấp quý tộc dùng kim cương để làm nút áo, đính lên giày, khoá dây nịt và huy hiệu.
Càng đi sâu vào lịch sử trang sức, chúng ta càng nhận ra: Diện mạo của những món trang sức nói lên ý thức ngày càng cao về bản thân và khẳng định cái tôi của con người. Bên cạnh đó, nó còn được dùng như một thứ bùa yêu, bùa may mắn. Người Ai Cập không phải là những người đầu tiên xem trang sức như một thứ bùa ngải. Tuy nhiên, chính các thợ kim hoàn Ai Cập là những người phát triển khía cạnh này một cách trọn vẹn. Phong tục đeo bùa đã có từ rất sớm. Lúc đầu, người ta cho chúng vào cùng xác ướp để bảo vệ linh hồn người đã khuất. Một thời gian sau, trang sức được sử dụng rộng rãi để bảo vệ cho cả những người còn sống. Ở Ai Cập, chuỗi hạt được xem như sự may mắn, là vật biểu trưng cho bùa hộ mạng. Tất cả người dân Ai Cập đều có thể đeo chuỗi hạt. Tuy nhiên, tùy theo từng đẳng cấp trong xã hội mà các loại bùa được chế tác khác nhau. Chất liệu được xếp hạng từ ngọc trai đến gốm. Vì vậy, người nghèo khổ nhất cũng đủ sức mua một chuỗi hạt để đeo. Trang sức của người Việt Từ thời đồ đá, người Việt cổ đã biết sử dụng 12 chất liệu để làm trang sức. Đó là sừng, xà cừ, sò, ốc, trai, vàng, bạc, ngọc, đất, đá, tre... Đặc biệt, trang sức làm bằng ốc biển như vòng tay, mặt dây chuyền rất được ưa chuộng. Mặt khác, trong một cuộc khai quật di tích cổ, người ta đã tìm thấy các loại khuyên tai, trâm cài đầu, vòng cổ, vòng tay, chân bằng đá, gương đồng và chuỗi hạt làm bằng chất liệu thủy tinh được sản xuất cách đây từ 1.000 đến 7.000 năm. Chúng được đánh giá là sản phẩm thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo. Phụ nữ Việt Nam cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XX lại thích đeo chuỗi hạt vàng quấn nhiều vòng. Độc đáo nhất là dây chuyền được đeo vòng qua cổ chéo xuống nách. Còn phụ nữ, còn trang sức! Đã 82.000 năm đã trôi qua kể từ khi món trang sức được xem là cổ xưa nhất ra đời. Ngày nay, sức quyến rũ của chúng vẫn còn làm xiêu đổ lòng người. Với nhu cầu làm đẹp đơn thuần, nữ trang ngày nay có xu hướng quay trở lại với vỏ sò, hạt đá, gỗ... đơn giản, rẻ tiền mà vẫn đáp ứng đầy đủ ý muốn làm đẹp của các nữ chủ nhân. Với những ai muốn thể hiện đẳng cấp và vị thế của mình, họ cũng dễ dàng chọn được bộ trang sức đắt giá như ý. Tương lai của trang sức sẽ đi về đâu, không ai biết. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, dù thế gian biến đổi đến mức nào, nữ trang vẫn sẽ tồn tại dù chỉ còn một người phụ nữ sống sót trên trái đất. Đó là vì làm đẹp đã là bản năng của con người nói chung và của phụ nữ nói riêng. Người viết : Tony Hồ - (Theo Webtintuc)
|
Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn |